ÁP THUẾ GTGT 5% VỚI PHÂN BÓN ĐẢM BẢO HÀI HÒA LỢI ÍCH "3 NHÀ"
- Người viết: sales@gmc.biz.vn lúc
- TIN TỨC
Không áp thuế ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Hiện nay nhu cầu phân bón của nước ta vào khoảng 10,5- 11 triệu tấn các loại. Theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, phân bón là 1 trong những mặt hàng không chịu thuế GTGT. Điều này có nghĩa các DN sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
Theo TS Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc chuyển mặt hàng này từ diện áp thuế GTGT 5% sang không chịu thuế theo quy định tại luật hiện hành khiến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí. Điều này khiến lợi nhuận của các DN sản xuất phân bón trong nước sụt giảm đáng kể. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của DN từ năm 2015 đến nay đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí, giai đoạn 2016-2020, DN này có khoản thuế GTGT đầu vào là 1.857 tỷ đồng và phải hạch toán vào chi phí dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm sẽ giảm tương ứng. “Không được hoàn thuế, DN sản xuất phân bón chỉ có 2 lựa chọn, hoặc giảm lợi nhuận trước thuế hàng năm hoặc điều chỉnh giá bán. DN sản xuất trong nước thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ cao, sản xuất sản phẩm thế hệ mới, nhất là các loại phân bón thân thiện với môi trường…”, TS Phùng Hà chia sẻ.
Cũng theo TS Phùng Hà, luật hiện hành không quy định phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT, đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các DN trong nước. Sản phẩm trong nước khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Do đó, cần thiết phải chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế, TS Nguyễn Thu Hằng, Trường Đại học Ngoại thương thông tin, nhiều quốc gia đã áp dụng thuế GTGT đối với phân bón. Đơn cử, Trung Quốc áp dụng thuế GTGT 11% với phân bón. Trung Quốc cũng ban hành một số chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ DN sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh.. Tại Nga, phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 20%. Nga cũng có chính sách ưu đãi thuế cho các DN sản xuất phân bón đầu tư công nghệ thân thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Trên cơ sở này, bà Nguyễn Thu Hằng kiến nghị, Việt Nam cần có chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón trong nước theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu. Song song với đó, khuyến khích DN sản xuất phân bón ít gây ảnh hưởng tới môi trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Hài hòa lợi ích 3 nhà
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 5% đã nhận được các quan điểm khác nhau. Bên cạnh ý kiến cho rằng, việc áp thuế GTGT với phân bón là cần thiết, thì cũng có ý kiến phản đối khi cho rằng, quy định này chỉ mang lại lợi ích cho DN, còn nông dân là đối tượng chịu thiệt.
Khẳng định, ngành phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, theo TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, việc áp dụng thuế GTGT 5% với phân bón mang lại lợi ích 3 nhà (Nhà nước, nông dân và DN). Trong ngắn hạn, việc áp thuế GTGT có thể khiến giá phân bón tăng, người nông dân phải bỏ thêm chi phí sản xuất, nhưng về lâu dài, họ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
Phân tích cụ thể, TS Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, đối với DN sản xuất, khi được khấu trừ thuế đầu vào sẽ làm giảm chi phí sản xuất, có thêm nguồn lực đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, nâng cao năng suất, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Nhà nước thì có thêm nguồn thu để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Riêng người nông dân sẽ có cơ hội sử dụng sản phẩm phân bón chất lượng hơn, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. “Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hỗ trợ cho khu vực này phát triển”, TS Nguyễn Trí Ngọc khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, TS Trần Thị Hồng Thủy, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, thông tin về kết quả phân tích định lượng tác động của việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón. Theo đó, sau khi DN được khấu trừ thuế, thì giá phân bón sản xuất trong nước như Ure giảm 2%, DAP giảm 1,13%, lân giảm 0,87%, NPK tăng 0,09%, nhờ đó, tổng chi phí nông dân bỏ ra giảm khoảng 453 tỷ đồng. Ngược lại, phân bón nhập khẩu sẽ tăng 5%, làm tăng tổng chi phí của nông dân lên khoảng 988 tỷ đồng. Trong khi đó, NSNN tăng thu được khoảng 1.541 tỷ đồng…